KIỂM SOÁT KHOẢNG CÁCH VỚI NHỮNG CÚ ĐÁNH CÁT
tung
Thứ 4 07/02/2024
4 phút đọc
Nội dung bài viết
Việc kiểm soát khoảng cách trái bóng bay đi cũng phụ thuộc vào cát - một thành phần khó tính toán với người chơi. Khoan nói đến những yếu tố về dụng cụ như bounce hay grind, hãy cùng Golf Land tìm hiểu những yếu tố chính ảnh hưởng tới khoảng cách với mỗi cú đánh cát.
Hãy cùng PGA Phạm Minh Đức tìm hiểu về những yếu tố ảnh hưởng tới khoảng cách với mỗi cú đánh cát. Đây là một trong những kỹ thuật khó với nhiều người chơi golf kể cả mới chơi lẫn lâu năm, do đặc thù của những cú đánh cát là mặt gậy không tiếp xúc thẳng trực tiếp vào trái bóng.
Việc kiểm soát khoảng cách trái bóng bay đi cũng phụ thuộc vào cát - một thành phần khó tính toán với người chơi. Khoan nói đến những yếu tố về dụng cụ như bounce hay grind, dưới đây là những yếu tố chính ảnh hưởng tới khoảng cách với mỗi cú đánh cát.
CÁCH KIỂM SOÁT KHOẢNG CÁCH VỚI NHỮNG CÚ ĐÁNH CÁT
1. Thời điểm gậy đi vào cát
Gậy vào cát trước bóng quá nhiều sẽ dẫn tới mất lực khi đến được với bóng, nên đa phần sẽ khiến cú đánh đi ngắn. Ngược lại nếu tiếp xúc cát quá muộn (sát hoặc thẳng vào bóng) sẽ khiến cú đánh đi quá xa. Thông thường tiếp xúc vào cát trước bóng một khoảng là một hoặc hai trái bóng (khoảng dưới 10cm), khoảng cách sẽ dễ kiểm soát hơn.
2. Góc tấn công khi gậy đi vào cát
Gậy tiếp xúc vào mặt cát theo đà di chuyển từ trên xuống hoặc từ dưới lên cũng sẽ ảnh hưởng tới việc phần nào của đáy gậy sẽ vào cát. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới tương tác của gậy trong cát, qua đó ảnh hưởng tới cú đánh. Thông thường chúng ta sẽ muốn đầu gậy có đà di chuyển xuống mặt cát khi đánh, nhưng không phải quá nhiều.
3. Lực đánh khi vào cát
Điều này sẽ quyết định lượng cát bay đi nên cũng sẽ ảnh hưởng tới khoảng cách của cú đánh khi giải thoát. Với những cú đánh quanh green thì thông thường lực đánh không cần quá nhiều nếu như tiếp xúc đúng chỗ. Người chơi cũng nên tập cách đánh cát sử dụng không quá nhiều lực vì cách này sẽ dễ điều tiết nhịp điệu và chạm đúng điểm tiếp xúc.
4. Loại cát và vị trí bóng
Cát cứng hay cát tơi xốp, vị trí bóng sạch sẽ hay lún… đều quyết định khoảng cách trong mỗi tình huống. Cát cứng hoặc ướt sau khi mưa sẽ khiến gậy chỉ có thể đi lướt nền cát và chúng ta cũng nên đánh theo cách đó. Cát mềm sẽ đòi hỏi gậy di chuyển xuống sâu với lực đánh mạnh hơn để kiểm soát đường bay. Tương tự nếu bóng nằm ở vị trí nổi đẹp thì các bạn cũng không nên đánh cắm xuống cát quá nhiều, và khi bóng lún sâu thì mặt gậy nên được đóng lại để tạo điều kiện cho cạnh trước trên mặt gậy dẫn được đầu gậy xuống sâu trong cát.
THAM KHẢO CÁC CÁCH GIẢI THOÁT TRONG HỐ CÁT
Tóm lại nếu các bạn đang gặp khó khăn giải thoát trong hố cát có thể tham khảo một số cách sau.
1. Trường hợp đánh bóng mãi không lên
Đây là khả năng là đầu gậy di chuyển cắm xuống cát quá sâu (có thể do hướng hai vai chúi xuống dưới nhiều khi đánh), mặt gậy quá đóng (khiến đường bóng bay quá thấp không thoát qua được mép cát) hoặc lực không đủ (khiến bóng không đủ tốc độ để bay thoát ra ngoài).
Cách khắc phục: bạn có thể setup đầu hơi về phía chân sau (chân phải với golfer thuận tay phải) để hướng hai vai lên trên, qua đó thay đổi góc độ gậy đi vào cát (cảm giác sẽ lướt mặt cát nhiều hơn), kết hợp với việc mở nhẹ mặt gậy và đưa bóng sang chân trái (chỉ cần bóng lệch về chân trước so với vị trí giữa hai chân).
2. Trường hợp đánh thẳng vào bóng và đi quá xa
Khả năng là đầu gậy di chuyển lướt ngang mặt cát nhiều quá hoặc vị trí bóng thiên nhiều về chân sau khiến gậy chưa đến thời điểm chạm vào cát.
Cách khắc phục: Tập luyện đánh cho gậy chạm vào mặt cát ổn định ở một điểm so với vị trí hai bàn chân, rồi với mỗi cú đánh khi vào tư thế cố gắng áng chừng vị trí bóng thiên về chân trước đủ để cách điểm vào cát đã tập luyện khoảng 10cm hoặc ít hơn.
Nguồn bài viết: Phạm Minh Đức