![THẾ GIỚI GẬY PUTTER - PHẦN 2](https://file.hstatic.net/200000836511/article/z5458486110544_354cd0549ace92eee9ab4422f03ac618_9627b7561e264f93a0ae340b80dfc716.jpg)
THẾ GIỚI GẬY PUTTER - PHẦN 2
tung
Thứ 4 07/02/2024
9 phút đọc
Nội dung bài viết
Cùng Golf Land và PGA Phạm Minh Đức tìm hiểu về chủ đề thế giới gậy Putter bao gồm: Chất liệu gậy Putter; Quy trình sản xuất; Cấu tạo và thuật ngữ chuyên môn; Scotty Cameron và câu chuyện GSS, Circle T, 009, Tour Rat và Super Rat; Một số thương hiệu putter hay nên tham khảo..
1. CHẤT LIỆU GẬY PUTTER (PHẦN 1)
2. QUÁ TRÌNH SẢN XUẤT GẬY PUTTER ( PHẦN 1)
3. CẤU TẠO VÀ THUẬT NGỮ CHUYÊN MÔN GẬY PUTTER
Một cây gậy putter thông thường sẽ có đủ các thành phần sau:
3.1. Đầu gậy
Đầu gậy putter có thiết kế rất đa dạng, trong đó phổ biến nhất là các loại đầu gậy nhỏ (blade) hoặc lớn (mallet) với các mục đích khác nhau. Không phủ nhận nhiều người chơi chọn dáng gậy putter theo thẩm mỹ và tính phù hợp dưới cách nhìn của từng người, các thiết kế khác nhau cũng sẽ ảnh hưởng tới cách sử dụng riêng, đơn thuần như quỹ đạo di chuyển vòng cung tự nhiên của gậy là nhiều hay ít, hay khả năng kháng rung lắc (MOI) của gậy có hỗ trợ người chơi nhiều không.
3.2. Cổ gậy
Đa phần các gậy putter đều có cổ (neck) - phần nối cán gậy và đầu gậy, tuy nhiên không phải cây nào cũng có. Với những cây không có phần cổ rõ ràng nối với đầu gậy thì thường chúng ta sẽ coi phần cuối của shaft như cổ gậy vì thiết kế này đóng vai trò về công dụng giống như vậy. Dưới đây là các loại cổ hay gặp nhất.
Plumber neck: còn được gọi là L neck - là thiết kế có lẽ là huyền thoại và cổ điển nhất. Không biết bao nhiêu cây gậy putter đã ra đời với thiết kế cổ hosel kiểu này. Thiết kế này mang đến cổ gậy bẻ gẫy vuông góc thành hai đoạn, giúp mang lại độ offset lớn cho gậy (tìm hiểu về offset tại đây: https://www.facebook.com/.../44971.../posts/4654842384547050). Với độ offset lên đến một thân shaft, người chơi sẽ thấy dễ putt do tay luôn di chuyển trước khi vào bóng so với mặt gậy. Điều đó cũng giúp người chơi dễ dàng cuộn bóng và tạo ra góc độ tấn công hiệu quả, nên thiết kế này được coi là rất thân thiện với số đông người chơi. Plumber neck thường thấy ở putter dạng blade nhiều hơn mallet, chủ yếu ở những putter mang lại quỹ đạo di chuyển vòng cung nhẹ tới trung bình. Ví dụ: Scotty Cameron Newport 2, Odyssey Tri-hot 5K one, Ping Anser…
Single bend: là thiết kế phần cuối shaft được bẻ cong một đường và kết nối với đầu gậy, phần cổ gậy rất ngắn gần như không có. Lợi thế của single bend là vẫn mang lại một độ offset nhất định nhưng không gây ảnh hưởng mạnh về thị giác (hiểu nôm na là vướng mắt) với góc nhìn từ trên xuống của người chơi. Single bend là một đường cong mềm mại và giúp cây gậy giữ được sự đơn giản của gậy. Cũng giống như double bend dưới đây, single bend thường hay được sử dụng ở các gậy dạng mallet nhiều hơn để tạo ra các thiết kế cân bằng ở mặt, giảm thiểu quỹ đạo vòng cung của đầu gậy khi putt. Vi dụ: Scotty Cameron FlowBack 5, Phantom X5, Ping Fetch…
Double bend: là thiết kế phần shaft bend được bẻ cong hai lần ở hai đoạn sát nhau. Về cơ bản double bend mang lại tác dụng giống như single bend, nhưng cảm giác ra lực vào bóng sẽ hơi khác nhau nhẹ. Tính thẩm mỹ cũng sẽ mang lại cảm giác đánh khác single bend khi sử dụng, tuy nhiên cả double bend và single bend đều phổ biến với putter dáng mallet và quỹ đạo đầu gậy di chuyển vòng cung nhỏ nhất. Ví dụ: Odyssey white hot OG Double wide, Ping Piper, DS 72…
Slant neck: là loại cổ ngắn và xiên ở phần kết nối với đầu gậy. Loại cổ này mang lại MOI lớn hơn với những cây gậy putter dáng mallet do tăng được độ kháng rung của đầu gậy. Đây là một sự kết hợp khá hay vì đa phần các cây gậy dáng mallet sẽ có thiết kế cân bằng ở mặt (face balanced) nhưng phần cổ gậy lại nằm ở gót của đầu gậy (giúp mang lại toe flow - quỹ đạo vòng cung khi putt). Do slant neck là phần cổ rất ngắn nên điều này giúp cây gậy có một tính thẩm mỹ khá tối giản, và vị trí nối ở ngay gót gậy sẽ giúp những người chơi có thói quen setup cả gần bóng lẫn xa bóng đều có thể quan sát mặt gậy dễ dàng. Ví dụ: Scotty Cameron Phantom X5.5, 9.5, Taylormade Spider…
Center shaft: thiết kế này sẽ “lạ” với nhiều người chơi vì không có mang lại chút offset nào hết. Phần shaft nối thẳng vào giữa đầu gậy có thể khiến một số người chơi thấy khó khăn hơn trong việc giữ cho mặt gậy thẳng hướng từ đầu đến cuối. Đây là thiết kế phù hợp với những ai không có xu hướng đóng mở mặt gậy nhiều, những ai thích putt quỹ đạo vòng cung ít, và những ai hay putt trượt sang bên trái mục tiêu do thiết kế không offset mang lại tiếp xúc bóng của đầu gậy sớm hơn các loại cổ trên.
Welded neck: Ngoài ra phải nói thêm một chút về welded neck, vì có lẽ đây là một nét thiết kế đặc trưng và những ai “chơi” gậy putter đều cần biết. Welded neck là những chiếc cổ gậy được hàn vào đầu gậy một cách thủ công, từ đó mang đến một nét nghệ thuật thay vì những chiếc cổ gậy liền đầu được cắt CNC gọn gàng sạch sẽ.
Cổ hàn thể hiện tay nghề của người thợ làm putter, cũng như sự trân trọng của người sưu tầm. Những chiếc cổ hàn cũng vì thế mà có giá thành cao hơn. Những ai thích vẻ đẹp hoàn mỹ sẽ không thích welded neck vì vẻ thô của nó, tuy nhiên những chiếc cổ hàn này cho người thợ không gian để sáng tạo, bằng cách nung nóng rồi bẻ uốn cong cổ gậy hoặc xoắn ngược xuôi để tạo ra những cây putter rất riêng.
Face Milling
Ngoài sự đa dạng của cổ gậy, chúng ta cũng nên biết tới sự đa dạng của mặt gậy putter. Chắc hẳn mọi người cũng đã từng nhìn thấy những cây gậy putter có mặn nhẵn và cũng có nhiều cây có các phần vân khác nhau trên mặt gậy.
Thực tế phần này của mặt gậy được phay CNC và vì thế nên rất chính xác và mịn. Một số nghệ nhân làm gậy sẽ phay bằng tay thay vì máy để tạo ra đường nét riêng, tuy nhiên ngày nay tác vụ này gần như 100% dựa vào máy móc.
Mặt gậy có độ phay càng nhiều (deep milling) thì phần thép còn lại tiếp xúc với bóng sẽ càng ít, mang đến một cảm giác tiếp xúc bóng khá soft (mềm). Ngược lại cây putter nào có mặt gậy nhẵn thín thường sẽ cảm giác bóng cứng và “click” hơn.
4. THUẬT NGỮ CHUYÊN MÔN
Dưới đây là các thuật ngữ chuyên môn mà các bạn sẽ thấy khi nhắc tới thiết kế một cây gậy putter:
Blade: là dạng putter dáng nhỏ, thường sẽ đi kèm với các thiết kế có quỹ đạo vòng cung lớn hoặc trung bình.
Mallet: là dạng putter dáng lớn, dày hơn và có MOI lớn hơn dạng blade, thường đi kèm với các thiết kế có quỹ đạo vòng cung nhỏ.
Mid - mallet: là dạng putter tương tự mallet nhưng thon gọn hơn.
Toe flow: chỉ độ vòng cung trong quỹ đạo di chuyển của đầu gậy. Putter blade thường sẽ nhiều toe flow, mallet sẽ ít toe flow
Arc: tương tự như toe flow.
Offset: độ trễ của mặt gậy so với shaft. Full shaft offset là độ offset một thân shaft (nhiều).
Toe balanced: “cân bằng ở đầu gậy” là những putter có nhiều toe flow (quỹ đạo đầu gậy di chuyển vòng cung lớn)
Face balanced: “cân bằng ở mặt” là những putter có ít toe flow, thường được hiểu là straight back - straight through (putter có quỹ đạo di chuyển theo đường thẳng ra đằng sau, và thẳng về phía trước)
Top line: phần cạnh phía trên của đầu gậy putter
Flange line: phần vạch ngắm hướng đặt trên topline
Finish: lớp mạ ngoài cùng của cây gậy
Milling: độ sâu của bề mặt gậy. Milling càng deep (sâu) thì mặt gậy được cắt phay càng sâu, nếu kết hợp với việc cắt thưa giữa những vết cắt thì cảm giác vào bóng sẽ càng mềm.
Loft: độ mở của mặt gậy cũng giống như các gậy còn lại trong bộ gậy. Loft thông thường phổ biến ở gậy putter là 3-4*.
Sole: đáy gậy
Bumper: là phần phía sau của gậy ở gót và đầu gậy.
Pocket: là phần cavity rỗng trên gậy putter ngay sau mặt gậy.
Engraving: là việc chạm logo vào bề mặt gậy ở một chỗ nào đó.
Stamping: là việc dập tên, ký hiệu… thủ công lên bề mặt gậy putter
Peening: là việc dập thủ công tạo khối lên bề mặt thép trên gậy putter
Face insert: là tấm ốp vào mặt gậy, có thể là thép, đồng hoặc chất liệu khác, mục đích nhằm tạo ra cảm giác vào bóng khác nhau.
Damascus: là một loại thép đặc biệt với lượng carbon đủ cao kết hợp với các hợp kim khác trong đó có sắt, được rèn với nhiệt độ cao và hình thành bề mặt hoa văn rất đặc biệt. Thép Damascus sau đó có thể được tác động nhiệt để có được các màu khác nhau.